Hướng dẫn tìm hiểu cơ bản về thiết bị sửa ổ cứng hay còn gọi là tool sửa ổ cứng

Hiện nay có rất nhiều thiết bị còn gọi là tool sửa ổ cứng, nhưng làm sao để có thể biết được tool nào là thích hợp cho nhu cầu thực tế của mình? Tôi xin đưa ra một vài nhận định của cá nhân mình mong rằng có thể giúp ích được cho các bạn!

Ngày đăng: 18-11-2015

7,785 lượt xem

HƯỚNG DẪN CƠ BẢN VỀ THIẾT BỊ SỬA Ổ CỨNG HAY CÒN GỌI LÀ TOOL SỬA Ổ CỨNG

Các bạn kỹ thuật thân mến! Những ngày qua cảm ơn Chúa đã cho có người anh em nói với mình là muốn đầu tư vào lĩnh vực sửa chữa ổ cứng cũng như cứu dữ liệu. Qua tâm sự mình biết bạn ấy đã đầu tư không ít vào việc mua tài liệu. Nhưng có lẽ vì tìm hiểu chưa kỹ bạn đã mua nhiều tài liệu không phù hợp cho nhu cầu sửa chữa hay cứu dữ liệu ổ cứng. Có rất nhiều loại tài liệu liên quan đến ổ đĩa cứng, thí dụ như tài liệu nói về cấu tạo ổ đĩa cứng, cấu trúc vật lý cho đến logic của ổ đĩa cứng, tài liệu về nguyên lý hoạt động của ổ cứng... còn nhiều vô số kể. Tuy nhiên thí dụ có tài liệu thích hợp cho người nghiên cứu để có thể sản xuất ổ đĩa cứng thì lại không thích hợp với người sửa chữa, tài liệu dạy sửa chữa thì lại không thích hợp cho người cứu dữ liệu vì không khéo làm mất dữ liệu luôn. Hoặc giả có tài liệu mang tính chất thương mại thì viết thật nhiều, thật dài cố sao cho càng nhiều trang càng tốt để bán. Nếu bạn không tìm hiểu dễ lắm sẽ mua nhầm sách. Nhưng khổ nỗi vì muốn bán sách cho nên họ luôn mập mờ trong vấn đề giới thiệu sách của mình. Nhớ lại ngày xưa khi mình bắt đầu dấn thân vào con đường kiếm cơm từ việc sửa chữa ổ cứng  và cứu dữ liệu, cũng mênh mang dò la khắp nơi, từ những cao thủ mình quen được cho đến nhà thông thái Google rồi cũng thấy các tài liệu rao bán nhưng ngoài cái việc biết được giá bán cao ngất ngưởng thì mình chẳng biết trong đó có gì. Cũng nằm đêm trằn trọc, vài lần muốn bán con gà, con lợn, vuông tôm, ao cá để gom tiền mua, rồi cũng vài lần thất vọng khi mua phải sách không phù hợp ( mình mạn phép gọi là sách "tào lao"). Chính vì thế mà mình muốn viết bài này để xem có giúp được gì cho anh em hay không! Tránh để anh em lại dẫm lên bước chân sai lầm của mình. Lĩnh vực này rất mông lung, mình sẽ cố gắng viết ra chân thật nhất. Vì thời gian và sức khỏe của mình dạo này có hạn cho nên có khi viết bài này phải mất cả tuần, vì thế mong anh em thông cảm và nên thỉnh thoảng quay lại vào xem mình có viết tiếp hay không. Sự thật là như vậy, như bây giờ là 11g42 PM mình mới bắt đầu ngồi viết, có lẽ chỉ được một tí là mình sẽ phải đi ngủ bổ sức cho ngày mai.

Thật tình mình cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu nữa. Thôi thì bắt đầu từ 2 bàn tay trắng nhé! Có nghĩa là bạn không có tiền hoặc có ít tiền. trước hết bạn nên biết sơ sơ về ổ đĩa cứng. Nói cũng bằng thừa vì thiết nghĩ anh em đã vào được đến bài viết này cũng đã là dân IT biết về kỹ thuật. Nhưng thôi mình cứ trình bày. Trong lịch sử ổ đĩa cứng thì là cả một câu chuyện thú vị, nhưng cũng không có hãng nào tiết lộ hết là họ đã sản xuất ổ đĩa cứng ra làm sao. Tuy nhiên có thể chia ổ đĩa ra làm 5 phần ( theo ý mình nha, và các bạn nên biết là mình viết bài này hoàn toàn là những gì mình suy nghĩ chứ không có theo tài liệu, cho nên có khi xét về lý thuyết nó sai hết, nhưng đảm bảo là có ích). Năm phần đó là : Board mạch, đầu đọc, motor quay đĩa, đĩa từ, khung cơ ( vỏ bọc). Mỗi một phần lại có cả một cấu tạo riêng và vô cùng phức tạp, từ từ mình sẽ đi hết tất cả. Có thể nhà sản xuất ổ cứng phải đi gia công các phần đó ở nhiều công ty khác nhau. tuy nhiên sau khi họ lắp ráp hoàn tất thì bắt đầu test bề mặt đĩa, những lỗi logic phát hiện trong quá trình test sẽ lưu vào một danh dách gọi là Plist. Các thông số như số lần đóng mở nguồn, tổng thời gian sử dụng, số lượng lỗi trong các danh sách bad... được lưu vào modul smart. Thế modul là gì? Modul là những file dữ liệu được ghi trên mặt đĩa tại một khu vực dành riêng cho nó, tập hợp tất cả các modul này gọi là firmware. Trong đó có cả modul rom nữa. Trên board mạch có chip rom thì trong firmware có modul rom, 2 cái này phải đồng bộ nhau, đó là ý do mà khi chúng ta thay board ổ cứng này sang ổ cứng khác lại không được. khi xuất xưởng các thông số về số lần đóng mở nguồn, thời gian sử dụng... là rất ít, lưu ý là ít chứ không phải là không có vì nhà sản xuất có cho chạy test rồi và cũng đã có bad trong plist. Qua quá trình sử dụng sẽ xuất hiện bad trên bề mặt đĩa và ổ cứng lưu những địa chỉ bad đó vào một danh sách gọi là Glist. Các thông số về số lần đóng mở nguồn, thời gian sử dụng, nhiệt độ ổ cứng... được lưu trên các modul Smart, lẽ dĩ nhiên theo thời gian các thông số này tăng dần và đến một lúc nào đó nó nằm ở ngưỡng cửa giới hạn cuối cùng và...ổ cứng tự hủy ( tức là không detect ) nhưng trước khi tự hủy nó sẽ gởi thông báo cho hệ điều hành báo lại với chúng ta. Ai đã từng gặp ổ cứng báo lỗi Smart là như vậy. Tuy nhiên nếu vì lý do nào đó modul Smart bị lỗi thì ổ cứng cũng báo sai và có khi nó...tự tử khi chưa có gì nguy hiểm. Do vậy một số tool chuyên dụng sẽ có phần reset Smart, nghĩa là đưa các thông số này trở lại như ban đầu lúc xuất xưởng. Nói đến đây mới nhớ lại chuyện xưa. Lúc đó mình mới mua được cái tool HD doctor for WD của Salvationdata.

Thấy trong đó có chức năng clear Smart khoái chí lắm!!! Có người em giới thiệu bạn bè đem mấy cái ổ cứng bị lỗi Smart đến cho mình sửa. Đưa vào tool click chuột nghe cái cọc !!! "Xong rồi đó em!!!" còn nghĩ thầm  "chà chà lấy tiền sao mà dễ ẹt thế này, chắc nhanh giàu lắm đây!" Thời gian thấm thoát trôi qua, tưởng chừng như mọi thứ đều êm đẹp, thế nhưng nữa năm sau gặp lại người em nó nói " anh làm em mất uy tín quá, mấy cái ổ cứng hồi đó anh sửa cho bạn em về có dùng được đâu, nó bực quá vứt đi hết rồi". Nghe mà tá quả luôn, vội vàng chạy về mở bí kiếp của "Hoa Đà lão tổ" ra xem nào ngờ giờ mới thấy mình hiểu sai làm sai hết rồi!!!

Thế nên giờ mới viết bài HƯỚNG DẪN CƠ BẢN VỀ THIẾT BỊ SỬA Ổ CỨNG HAY CÒN GỌI LÀ TOOL SỬA Ổ CỨNG này cho anh em dể hiểu hơn.

Thế thì sai ở đâu, tool rõ ràng ghi là click vô cái nút Clear Smart rồi đợi nó báo ok là xong mà! cái sai ở chổ là mình cần phải biết lỗi Smart này là lỗi ở đâu ( đầu mình tay chân hay bao tử, tim phèo phổi...) Phải giải quyết cái nguyên nhân trước. Thí dụ nhé! Nếu số lượng bad sector đã vượt quá sức chứa của Glist mà bạn reset nó về 0, qua vài lần khởi động ổ cứng nó sẽ đọc Glist và so sánh với thông số trong modul Smart nó sẽ la lên" ủa sao đầy tràn mà nó bảo không có" thế là ổ cứng nhanh chóng ghi lại modul Smart theo thông số lỗi tìm thấy và... tiền mất tật mang mà người kỹ thuật thiếu hiểu biết như tôi đã phải mang tiếng xấu ... nữa năm. Bây giờ là 0g25p mình sắp tạm ngưng bài viết, trước khi tạm dừng mình đưa ra một câu hỏi : Bạn có muốn đợi đến khi mua tool sửa ổ cứng về mới biết nó có thể làm được gì hay không? Nhưng nhà sản xuất chỉ cho bạn biết sự thật sau khi bạn đã mua tool, còn những gì họ trình bày chỉ là "quẳng cáo" mà thôi. Vậy thì làm sao để biết tool có thể làm được gì, biết được điều đó sẽ giúp cho bạn đi đến quyết định là có nên mua hay là không? Tôi sẽ giúp bạn trên những gì mình có thể. Mình sẽ tặng cho các bạn, hoàn toàn miễn phí tất cả những tài liệu có liên quan đến các tool mà mình sở hữu. Bạn chỉ cần gởi email đến cho mình ( cuudulieuocung.vn@gmail.com), mục đích để mình có email liên lạc với các bạn khi cần đến và cũng thống kê được mình có bao nhiêu anh em bạn bè thân thuộc trên web cuudulieuocung.vn. Lưu ý là bạn nào đã từng email cho mình thì không cần mail nữa. mình sẽ tự động cập nhật cho các bạn những file cơ bản, và mình còn có những file film hướng dẫn tặng thêm cho bạn nào mà mình thấy có tấm lòng chân tình. Thôi tạm dừng ở đây nha, mình sẽ viết tiếp, nếu những gì bạn đọc được bạn cảm thấy quá đơn giản nhàm chán thì như Ann nói : " Bạn đã có level cao rồi"!

Thân ái chào các bạn đến với bài viết HƯỚNG DẪN CƠ BẢN VỀ THIẾT BỊ SỬA Ổ CỨNG HAY CÒN GỌI LÀ TOOL SỬA Ổ CỨNG phần tiếp theo!

Hôm nay mình sẽ đi thẳng vào chi tiết cho phần hướng dẫn về thiết bị sửa ổ cứng Western của hãng sản xuất DFL ( Dolphindatalap). Tên của sản phẩm này là DFL-WDII. Đây có thể nói là dòng sản phẩm đầu tiên cho việc sửa chữa ổ cứng hiệu Western. Ban đầu nhà sản xuất DFL và Salvationdata đều sản xuất phần cứng và phần mềm riêng cho từng thương hiệu ổ cứng. Thế nhưng càng về sau họ càng tinh gọn trở lại bằng cách là chỉ có một sản phẩm phần cứng và có các phần lựa chọn sofware kèm theo. Thí dụ như bạn chỉ cần mua 1 box usb phần cứng và bạn có thể chỉ mua 1 phần mềm cho việc sửa ổ cứng hiệu Seagate rồi sau này có tiền bạn chỉ cần mua thêm soft cho Western, Hitachi, Toshiba, Samsung... thay vì ngày xưa bạn phải mua cả phần cứng cho từng loại. Phần hình ảnh các sản phẩm này thì bạn vào xem ở link này sẽ rỏ hơn : link sản phẩm sửa chữa ổ cứng . Đây là những loại ổ cứng hiệu Western mà sản phẩm này hổ trợ :

Có lẽ nhìn những cái tên trong list này bạn sẽ không hiểu gì cả, điều đó là lẽ đương nhiên vì thông thường mainboard hay hệ điều hành chỉ nhận diện model, serial number, dung lượng của ổ đĩa cứng mà thôi, còn chủng loại hay các thông số chuyên sâu thì chỉ có thiết bị ( tool ) chuyên dụng mới đọc được. Như vậy chỉ khi nào bạn có tool thì mới có thể đọc được. Phần mềm kèm theo chỉ chạy khi có phần cứng vì thế nếu bạn có may mắn download được phần mềm thì bạn cũng không thể vận hành nó được. Đó là lý do mà mình không có up hay nhã ý tặng phần mềm cho các bạn. Thậm chí khi mua sản phẩm sửa ổ cứng về bạn cũng chưa thể chạy nó được. Đây là tiến trình mua sản phẩm: bạn vào trang web của nhà sản xuất : dolphindatalab.com  vào mục liên hệ rồi email cho họ để xin một bảng báo giá. sau đó bạn email xác nhận đặt hàng và họ sẽ gởi cho bạn thông tin chuyển tiền. Trước đây mình dùng paybal để thanh toán. Lưu ý với các bạn là nếu muốn thanh toán quốc tế thì đừng bao giờ để tiền trong tài khoản, khi nào cần mua thì chuyển tiền vào đó rồi thanh toán là xong. Lưu ý là luôn có tính phí cho việc chuyển tiền vì thế nên có nhiều hơn giá mua, thí dụ mua 1500USD thì trong tài khoảng nên có khoảng 1600USD, các khoảng phí sẽ trừ luôn từ trong đó. Khuyên các bạn nên "trả giá" 1 tí nha! Có thể đề nghị họ bao luôn cho mình tiền phí vận chuyển. Bởi vì chúng ta đang giao dịch online và nhà cung cấp sản phẩm cũng là người Châu Á, (hình như người châu á hay nói thách trong mua bán thì phải! Mà Việt Nam mình cũng trả giá dữ lắm). Tiện thể lưu ý là Phước Lợi Group không có văn hóa nói thách cho nên miễn trả giá nhé! Sau khi bạn chuyển tiền xong họ sẽ xác nhận là đã nhận tiền và Ship hàng cho bạn. Một phiếu xác nhận chuyển hàng có kèm ID và suốt quá trình bạn có quyền kiểm tra xem sản phẩm đang được chuyển tới đâu. Sau khi về đến cảng Việt Nam, có thể Hải Quan sẽ đề nghị bạn giải thích sản phẩm bạn mua là cái gì, có một lần sản phẩm của mình bị giữ lai đến 1 tháng vì lúc đó có mấy cái key bằng Usb mà Hải Quang không đọc được nội dung ( mình phải giải thích rõ là key cứng không có nội dung thì sau đó mình đã nhận được sản phẩm. Bạn phải trả một khoảng thuế cho việc nhập khẩu sản phẩm. Nói đến việc nộp thuế mình nhớ đến câu chuyện trong Kinh Thánh Tân Ước sách Mathiơ đoạn 27 có chép : 

Đức Chúa Jêsus nộp thuế
24 Khi đã đến thành Ca-bê-na-um,những người thâu thuế của đền thờ đến hỏi Phi-e-rơ rằng: Thầy ngươi có nộp tiền thuế chăng?(z) 25 Phi-e-rơ trả lời rằng: Có. Và khi Phi-e-rơ vào nhà, thì Đức Chúa Jêsus hỏi đón trước rằng: Hỡi Si-môn, ngươi nghĩ sao? Các vua thế gian thâu lương lấy thuế ai? Thâu của con trai mình hay là của người ngoài? 26 Phi-e-rơ thưa rằng: Người ngoài. Ngài phán rằng: Vậy thì các con trai được miễn thuế! 27 Song le, để chúng ta khỏi làm gương xấu cho họ, thì ngươi hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào dính câu trước hết, banh miệng nó ra, sẽ thấy một đồng bạc ở trong. Hãy lấy đồng bạc đó,và đem nộp thuế cho ta với ngươi.

Các bạn thân mến ngay cả việc nộp thuế mà Kinh Thánh cũng có dạy, Kinh Thánh quả là một quyển sách sống đáng để các bạn xem.

Trở lại bài viết : HƯỚNG DẪN CƠ BẢN VỀ THIẾT BỊ SỬA Ổ CỨNG HAY CÒN GỌI LÀ TOOL SỬA Ổ CỨNG chúng ta đang ở phần hướng dẫn mua sản phẩm:

Sau khi thanh toán xong sẽ tới phần "bóc tem" sản phẩm. Đây là một cảm giác rất hồi hộp và thú vị. Chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng thất vọng vì ... nó sẽ báo lỗi là thiết bị chưa được đăng ký. Bạn sẽ nhận được một dãy số, bạn hãy vào forum của nhà sản xuất tạo một tài khoản miễn phí, sau đó bạn email cho họ và cung cấp tên tài khoản mã sản phẩm ( dãy số lúc nãy nhận được từ software kèm theo). Đại diện nhà sản xuất sẽ email cho bạn mã số đăng ký sản phẩm, bạn nhập vào thì lúc này sẽ vận hành được. Tuy nhiên, ở đây có một lưu ý cho các bạn. Những gì họ quảng cáo thì chúng ta chỉ có thể làm được 40-50%. Như tôi thường nói, "kiếm pháp hay bí kiếp" trong tay chưa chắc đã luyện thành. Nó đòi hỏi chúng ta phải đầu tư công sức và thời gian rất nhiều. Nếu bạn cố gắng chắc thành quả sẽ không tệ! Riêng phần hổ trợ của nhà sản xuất thì riêng cá nhân tôi thấy hãng DFL làm việc tốt hơn Salvationdata. Hiện nay với tool chuyên dụng cho việc sửa ổ cứng Western DFL-WDII thì mình có thể sao lưu và nạp firmware, chỉnh sửa firmware ( fix lỗi ), giải password ổ cứng, sao lưu phục hồi, fix lỗi Rom. Scan sửa chữa bad sector, đọc Plist, Glist, Smart, thay đổi serial number, cắt đầu từ ( disable head). Tuy nhiên nếu bạn nghĩ có thể dùng tool này nạp firmware cho một ổ cứng không detect rồi sau đó sửa nó thành ổ cứng ok thì hơi xa vời đó. Mình đã nghiên cứu rất lâu và kết luận là...tỉ lệ thành công rất thấp. Trong soft có phần lệnh cho ổ cứng tự chạy sửa ổ cứng. Trước đây mình sửa ổ cứng Maxtor thì mình thích cái này nhất, nó gọi là chạy self-test, tuy nhiên ở các dòng ổ cứng về sau này việc chạy self-test rất phức tạp và nhà sản xuất chỉ quảng cáo là chức năng này tool của họ chạy ok còn việc chạy như thế nào thì họ chỉ dẫn một cách sơ sài mà thôi. Vì thế các bạn phải tự thân vận động.

Hôm nay mình quyết định mở hộp thiết bị sửa ổ cứng Western này ra xem có gì bên trong, và đây là hình ảnh thực tế :

Cấu tạo thật đơn giản phải không các bạn, đây là một sản phẩm trí tuệ, phần cứng chỉ là giao thức kết nối giữa phần mềm và ổ đĩa cứng mà thôi, vấn đề nằm ở các giải thuật toán nằm trong phần mềm. Đó là lý do mà các phiên bản sau nhà sản xuất đã dùng chung thiết bị phần cứng, họ không phải muốn bán phần cứng mà sản phẩm chính là phần mềm. Thật tuyệt vời. Sau này họ phát hiện nếu chạy thông qua cổng Usb thì bị giới hạn rất nhiều về tốc độ cho nên hiện nay có các sản phẩm chạy trên khe cắm mở rộng chuẩn PCI EX đáp ứng tốc độ cao thích hợp cho các ổ cứng thế hệ mới. 

Như cuối phần 1 mình có nhã ý tặng các bạn file hướng dẫn ( manual ) của dòng sản phẩm này. Bạn hãy email cho mình, mình sẽ gởi link download, vì nó là file pdf nên mình không có dán vào bài viết hơn nữa nó nhiều lắm. Hôm nay mình chỉ viết đến đây, mong rằng có thể giúp ích một phần nhỏ cho các bạn! Sau đây là link một số film demo và link download tài liệu được cung cấp từ nhà sản xuất đưa kèm theo sản phẩm.

Link download :

Hướng dẫn cơ bản thiết bị sửa ổ cứng Western DFL-WD II phần 1. 

Hướng dẫn cơ bản thiết bị sửa ổ cứng Western DFL-WD II phần 2.

Hướng dẫn cách cứu dữ liệu từ ổ box cứng usb 3.0 hiệu western .

Hướng dẫn cách cứu dữ liệu ổ cứng không Detect .

Film hướng dẫn format phần mặt đĩa chứa firmware gọi là vùng SA

Có một lưu ý là film do họ làm có phần đuôi mở rộng là .exe nên đôi khi máy bạn sẽ không cho download vì sợ nhiễm Virus. Mình cứ chấp nhận dowload về và không biết có bị nhiễm Virus không, trên thực tế mình vẫn xem tốt và máy vi tính vẫn an toàn!

Có nhiều film mà mình download từ forum của hãng, nhiều hướng dẫn khác nữa bạn hãy cho mình địa chỉ email trong phần bình luận bên dưới hoặc email trực tiếp theo địa chỉ cuudulieuocung.vn@gmail.com mình sẽ gởi link cho các bạn.

Bài viết dài quá nên mình sẽ tách riêng các loại tool ra thành các bài viết khác nhau và sẽ viết vào tuần sau. Cảm ơn các bạn đã chịu khó đọc.

Kết thúc phần 1 bài viết : HƯỚNG DẪN CƠ BẢN VỀ THIẾT BỊ SỬA Ổ CỨNG HAY CÒN GỌI LÀ TOOL SỬA Ổ CỨNG

Tạ ơn Chúa!

Nếu có Anh Chị hay Bác nào lớn tuổi đọc bài viết này xin thứ lỗi cho Lợi vì cách viết xưng là "mình" và gọi là "các bạn". Xin cảm ơn! 

Nếu anh chị em nào đọc thấy hay thì share facebook, google + giúp mình.  

Vậy là mình có động cơ để viết tiếp. Cảm ơn các bạn!

Cảm tạ Chúa !

Bình luận (2)

Gửi bình luận của bạn

Captcha
  • nguyễn cao kỳ (29-07-2016) Trả lời
    Chào Anh! mình mới biết và đọc bài của Anh, mình rất thích cách Anh truyền đạt,dễ hiểu và vui và có lẽ một phần vi mình cũng là con của chúa. Đây là mail của mình nếu có thể Anh hãy cho mình xin tài liệu về cứu dữ liệu nhé, cám ơn Anh nhiều.
    • Loi_IT (29-07-2016)
      Chào bạn! Cảm tạ ơn Chúa cũng có anh em trong Chúa cùng nghành biết đến web của mình. Hiện tại do việc mua tên miền dyndns gặp khó khăn nên các tài liệu download không được chứ mình đã tặng thì không có chuyện khóa. Hiện tại mình đang chuyển địa chỉ Nas, có lẽ khoảng 2 ngày nữa thì sẽ download lại bình thường. bạn thử download sau 2 ngày nữa nhé! Xin Chúa ở cùng và ban phước cho gia đình bạn! Amen!

QUẢNG CÁO GOOGLE

Tin Hot nhất

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,940,402

Đang online17

NHÀ TÀI TRỢ