Hướng dẫn sửa chữa ổ đĩa cứng nâng cao

Mình làm bài viết này chỉ mong hướng dẫn anh em kỹ thuật mới vào nghề cách sửa chữa ổ cứng bị hư. Anh em nào đã kinh nghiệm lâu năm xin đừng cười chê.

Ngày đăng: 24-10-2018

20,056 lượt xem

HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO

Chào các bạn kỹ thuật! Chắc chắn khi tìm kiếm về cách sửa chữa ổ đĩa cứng thì là anh em kỹ thuật rồi. Tuy nhiên như mình đã nói trong phần giới thiệu bài viết, đó là mình viết bài này chia sẻ kinh nghiệm hoàn toàn thật, và chỉ mong giúp ích được cho anh em mới nghiên cứu mà thôi, chứ những cao thủ trong gian hồ khi xem có mà cười mình thôi. Tại hạ xin thành thật cáo lỗi mong được chỉ giáo thêm!!!

Mình có viết bài : " Hướng dẫn sửa chữa ổ đĩa cứng cách cơ bản " các bạn có thể tham khảo trước nhé. Mà chắc cái này mấy bạn đã làm nhiều rồi nên khỏi coi cũng được. Hay coi cho vui thôi, Hì hì!

Hôm nay nhân lúc "ế toàn tập" mình lại tiếp tục phần hướng dẫn sửa chữa ổ đĩa cứng sâu hơn một tí.

I. HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO: Ổ CỨNG BỊ HƯ BOARD MẠCH

Có một lần mình chỉ một bạn kỹ thuật qua zalo về việc thay chip để sửa chữa board mạch ổ đĩa cứng, bạn ấy nói " "thôi, mắc công quá" Buồn ghê luôn! Nếu bạn muốn làm thợ sửa chữa ổ đĩa cứng thì không được nói 2 chữ "mất công". Giống như trong thời kiếm hiệp, đi tìm thầy học võ công, thầy kêu xách nước, lau nhà luyện công mà nói vậy thì thầy sẽ quát: "Go home"... hè hè, thời kiếm hiệp sư phụ nói tiếng anh mới sốc chứ!!! Nhưng đúng thật sự là như thế, học nghề không phải học lóm một vài trường hợp, giống như học võ không chỉ học chiêu mà phải học từ cơ bản nhất. Nếu nói cấu tạo phần cứng của ổ đĩa cứng là board mạch và phần cơ thì board mạch đã chiếm 50% quan trọng rồi. Và đương nhiên mạch đện tử luôn luôn có thể hư. Nếu sửa chữa ổ đĩa cứng mà bỏ qua phần board mạch thì quả thật là một thiếu xót không nhỏ.

Sửa chữa board mạch ổ đĩa cứng

HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO

A.  HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO : SƠ NÉT VỀ Ổ CỨNG BỊ HƯ BOARD MẠCH 

Đây là một cái board mạch của ổ đĩa cứng hiệu Seagate, các hiệu khác cũng tương tự vậy thôi nha. Mình cũng không cần hiểu sâu chi cho mệt, chỉ biết sơ sơ để có thể chuẩn đón hư hỏng ở đâu mà thay thôi.

1: Chip Rom.

2: Chip xử lý.

3 : Ram (Bộ nhớ đệm)

4 : Motor control (chip điều khiển motor, head)

5 : Fet nguồn.

6 : Điện trở cầu chì

7. 8: Khối nguồn, có diode bảo vệ.

9. Điểm tiếp xúc với đầu đọc.

Có điểm tiếp xúc motor nữa nhưng chỗ này ít khi bị lỗi gì nên khỏi bàn luôn.

B.  HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO: xác định lỗi ổ cứng bị hư board mạch

Trước hết làm sao để xác định được là cái ổ đĩa cứng bị board. Nói tới đây mình mới nhớ, xem phim kiếm hiệp mình thích nhất là mấy ông thầy thuốc. Những cao nhân thật sự đó, chỉ nhìn sơ qua là đã biết bị bệnh gì hay trúng loại độc gì. Phải luyện làm sao mà chỉ cần cầm cái ổ cứng, cắm điện vô là biết nó bị lỗi ở đâu. Mình cung cấp một vài kinh nghiệm để anh em thử nhé.

-Cắm điện vô mà thấy ổ cứng im ru, không thấy có động tĩnh gì luôn. khả năng hư board là cực kỳ cao. Lát đi sâu hơn mình sẽ nói.

- Cắm điện vô thấy bốc khói có mùi cháy... Nhanh chóng rút điện ra vì chắc chắn board đang bị cháy rồi, hư là cái chắc.

- Cắm điện vô, ổ cứng quay êm nhưng máy vi tính không nhận: Rất ít khi board mạch hư, nhưng ít không có nghĩa là không có, mình đã gặp rồi cho nên chắc tỉ lệ lỗi trường hợp này là 1/100.

- Cắm điện vô nguồn tắt luôn một cái "cạch". Bấm nguồn lại không được. Rút dây điện AC ra, gỡ ổ cứng ra, cắm điện AC vào, mở nguồn lên bình thường, thay bộ nguồn khác cũng bị y vậy. Kết luận board mạch bị chạm ( có một đường nguồn bị chạm nối tắt xuống mass rồi.

Có thể còn nhiều triệu chứng hư hỏng khác nhưng mình không nhớ hoặc chưa gặp nên nhiu đây cũng tạm tạm rồi.

Nói đến đây chắc có bạn sẽ nói "ủa thấy oánh số trên hình ghê gớm lắm mà hỏng thấy đá động gì hết vậy ta?"

C.  HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO: xử lý lỗi ổ cứng bị hư board mạch

Giờ nói nè! Nhiều chuyện vậy bài viết nó mới dài, Google cho điểm cao lên top thì anh em kỹ thuật mới đọc được chứ!!! Nhớ like và share cho mình nhé!!! Khi bạn cắm nguồn vào mà ổ đĩa cứng im ru không động tĩnh gì thì hãy đo hết các điện trở cầu chì khu 6 của hình trên. Nếu cầu chì đứt thì lấy đâu mà có nguồn để quay cơ. À ngon nha! Đứt cầu chì rồi, thay vào phát chạy ngay... Đừng có mơ! Nói đến đây cho Lợi nhiều chuyện tí. Hồi sưa theo sư phụ học điện tử ở dười quê, Bến Tre đó. có một buổi sáng vừa mở cửa tiệm có anh khách nhảy vào. Anh mang cái cassette cũ mèm vô rồi nhanh miệng nói: " Nó đứt cầu chì thôi không bị gì đâu, anh thay cho tui cái cầu chì rồi tính nhiu tính". Sư phụ tôi vốn rất giỏi mà tính tình cũng cổ quái không thua gì trong phim kiếm hiệp đâu. Vừa nghe khách nói xong ông đi vào trong lấy nguyên thùng đồ nghề ra đặt cái cạch xuống bàn rồi nói, nè anh làm đi... Lẽ dỉ nhiên là khách hỏng dám rồi. Nhưng sư phụ lại mở ra, thay cầu chì vào rồi kêu: " anh cắm điện đi". "Bụp" một tiếng nổ như pháo chuột ấy( pháo chuột là loại pháo nhỏ như cái đủa thôi, đốt lên nổ nghe...bụp vậy, tội nghiệp giới trẻ nhỏ giờ sao biết đốt pháo là gì, nhưng cắm điện nổ cũng giống vậy, nghe vui mà ...hao.). Lúc đó mặt anh khách xanh như tàu lá chuối luôn... 

Thôi trở lại với cái bài viết HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO này nhé. đang nói tới đâu quên mất, tám quá mà. À nhớ rồi, các bạn lấy đồng hồ VOM loại có kim hay hiển thị số đều được cả. Không biết có ai cần hướng dẫn đo không ta, thôi cái phần đó tính sau đi nhé. Nếu cầu chì bị đứt điều đó có nghĩa là có thành phần nào đó ở phía trong đã bị chạm, nếu bạn không muốn xanh mặt như anh khách trong câu chuyện mình vừa kể thì đừng có dại dột thay điện trở cầu chì vô rồi cắm điện liền nha. Dùng đồng hồ tiếp tục đo xem mạch có bị chạm không. Lưu ý 2 con diode khu vực 78. Thường sẽ có một trong hai con bị nối tắt, có khi là cả hai luôn. Thay linh kiện bị chết bằng con linh kiện tốt, mấy phần linh kiện nguồn bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng linh kiện tương đương, có thể tận dụng linh kiện trên cac board ổ cứng cũ. Nhìn thật kỹ con chíp số 4 xem có dấu hiệu cháy nổ gì hay không. sau khi kiểm tra thật kỹ và đảm bảo không còn một linh kiện nào bị chạm nữa thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm cấp nguồn cho ổ cứng. Lưu ý nữa nè, có đôi khi tụ pi bị chạm cũng gây ra bệnh tương tự chữ không nhất thiết là FED hay diode chạm mối đứt cầu chì.

Cũng trong trường hợp cắp nguồn cho ổ cứng mà nó im ru nhưng điện trở cầu chì không đứt, nếu kiểm tra kỹ mạch hoàn toàn không chạm thì có khi nội dung Rom đã bị xóa hay bị lỗi. Cái này khá căng nếu là ổ Seagate, với ổ WD có khi tái tạo lại Rom được. Thôi phức tạp lắm, nhưng tin vui là trường hợp này chỉ có khoảng 1/1000 thôi nếu không bị anh em nào can thiệp thì chip Rom khó chết và khó bị lỗi lắm.

Trường hợp cắm điện vô bốc khói nó cũng giống như trường hợp trên. Lưu ý cho cả hai trường hợp nếu chip 4 cháy thì khả năng đầu đọc lên đường là rất cao đấy nhé, nghĩa là "ua thờ ua thua..." Theo cụ Bùi Hiền thì nói sao ta???

Sửa board mạch ổ cứng bị cháy chip

HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO

Cháy vậy thường là "U a ua thờ ua thua". Chỉ có thể thay đầu đọc lấy dữ liệu thôi.

Không biết bài viết có bị dài quá chưa, sợ nhiều chuyện quá các bạn chán. Thôi ráng đọc nha!

- Bây giờ mình xét đến trường hợp Cắm điện vào ổ cứng quay cơ êm nhưng không nhận. Bạn phải thay thử board tốt vào. Xin lưu ý, như mình vẫn nhắc đi nhắc lại không phải lấy cái board cùng loại gắn vô là chạy đâu nha. Muốn thay board đương nhiên là bạn phải có một board tốt cùng mã số, sau đó phải xử lý Rom, bạn cần phải có chút hiểu biết về điện tử hoặc bạn có máy chuyên dụng để xử lý firmware. Nhân tiện quảng cáo luôn mình có bán máy nạp Rom nè : 

Link máy nạp Rom ổ cứng. 

Xem clip hướng dẫn sử dụng máy nạp rom CH341A

Có một anh em nói nạp Rom phải dùng máy khò máy hàn tháo ra hàn vô tốn công quá. Xin nhớ dùm là muốn giỏi ta cần phải tốn chút ít công phu chứ! Nhưng cũng chiều theo các bạn nên mình nhập về bán luôn cái kẹp chân Rom để nạp trực tiếp mà không cần tháo chip Rom. Còn ai làm biếng không muốn kẹp nữa thì mình khuyên nên bỏ nghề là vừa!!!

Link kẹp Rom đọc nạp không cần tháo chip    

Sau khi thay thử board tốt vào mà ổ đĩa cũng vẫn y như tình trạng trươc khi thay thì kết luận đây không phải là ca sửa ổ đĩa cứng hư board mạch. Có thể nó bị lỗi firmware, hoặc lỗi nhận chậm. 

II. HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO : LỖI FIRMWARE

Rất rất nhiều người gọi điện cho mình đều nhầm lẫn việc ổ cứng hư board mạch với ổ đĩa cứng bị hư firmware. Có người ổ cứng bị hư board thì đt cho mình khẳng định là "ổ cứng của tui bị hư firmware" ngược lại người có ổ cứng bị hư firmware lại kết luận "chắc chắn ổ cứng của tui bị hư board rồi". Có khi giải thích cháy cả cái điện thoại vẫn không công nhận. Chính vì lẽ đó mình phải trình bày ở đây để anh em kỹ thuật nắm được vấn đề rõ hơn.

A.  HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO : cách xác định ổ cứng bị lỗi firmware.

Nói sơ sơ firmware là gì nhé các bạn. Ở đây mình nói như một người kỹ thuật hiểu một cách cơ bản nhất chứ không phải một chuyên gia nghiêng cứu hay làm trong hãng sản xuất ổ cứng nhé. Nếu nói phần cứng thì gần như ai cũng biết vì nó là một cái gì đó thấy được, sờ nắn được thì firmware lại là một cái gì đó mơ hồ hơn. Với ổ đĩa cứng thì cái các bạn thấy được là khung thép bên ngoài, cái board mạch, ai tò mò hơn tháo bung nắp ra thì thấy cái đĩa từ, bộ phận đầu đọc, motor... rồi hết, đó là phần cứng. Nhưng ổ đĩa cứng muốn hoạt động được cần phải có một hệ thống giải thuật toán hết sức phức tạp và tập hợp tất cả nội dung phần mềm giải thuật đó gọi là firmwre. Nói đến đây thấy hơi khó hiểu rồi đây. Mình thí dụ nhé, toàn bộ cái bạn thấy được ở cái laptop của bạn nó là phần cứng, nhưng nó cần một phần mềm để hoạt động, phần mềm đó chúng ta hay gọi là hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng, nó có thể hiểu nôm na là firmware đó các bạn, nhưng vì nó quá lớn, quá quy mô nên gọi là hệ điều hành. Còn phần mềm nhỏ xíu xiu chỉ để vận hành cái ổ đĩa cứng thì gọi là firmware. Như có lần mình trình bày với các bạn là board mạch của ổ đĩa cứng có thể được xem như là một bộ máy vi tính thu nhò, nó cũng có chip CPU, RAM, ROM và đượng nhiên nó cần hệ điều hành cho riêng nó, đó chính là firmware. Khi vì một lý do gì đó firmware này bị lỗi thì coi như ổ đĩa cứng sẽ dừng hoạt động. Tuy nhiên cần xác định ở đây là khi nào thì biết ổ đĩa cứng bị  hư board mạch và khi nào nhận biết ổ đĩa cứng bị hư firmware. Cách đơn giản nhất là khi cấp nguồn cho ổ đĩa cứng các bạn chú ý thật kỹ nghe xem có âm thanh tiếng động gì phát ra từ ổ đĩa cứng hay không. Nếu ổ cứng hoàn toàm im ru không một động tỉnh gì thì gần như có thể nói ổ đĩa cứng của bạn đã rơi vào trường hợp ổ đĩa cứng bị hỏng board mạch. Nếu nghe im, không có tiếng motor quay mà nghe tiếng"e" e""e" phát ra nho nhỏ thì gần như có thể nói ổ cứng bị kẹt đầu đọc trên mâm đĩa, tuy nhiên cũng có trường hợp board mạch bị chết phần điều khiển motor cũng sinh ra lỗi tương tự, nên thay thử một board mạch tốt cùng loại xem sao nhé. Nếu ổ đĩa cứng run nhẹ và motor đĩa quay các bạn sẽ cảm nhận được qua âm thanh và độ run của ổ đĩa cứng. Nếu cơ quay êm, tốc độ quay của motor ổ định, ổ cứng run đều và liên tục không ngừng, không có một tiếng động khác lạ như "e e" hay "cạch cạch lọc coc"nào nữa và máy vi tính không hề nhận ( detect ) thấy ổ cứng hoặc chỉ thấy tên model mà không hiểu đúng dung lượng, lúc này ta có thể kết luận khả năng ổ đĩa cứng bị lỗi firmwrae là rất rất cao. Lưu ý, tất cả những gì mình phân tích chỉ đúng khi board mạch hoàn toàn đúng nguyên jin với phần cơ và chưa hề có sự can thiệp nào. Lưu ý là đừng bao giờ thay đổi board mạch hay các linh kiện trên đó nếu như bạn không thật sự hiểu sâu về nó ngoại trừ trường hợp bạn không cần dữ liệu.

Trong phần này nếu như bạn muốn biết âm thanh của ổ đĩa cứng như thế nào thì có thể tham khảo bài viết bên dưới nhé:

 -Link bài viết về cách chuẩn đoán bệnh ổ đĩa cứng bằng âm thanh.

B. HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO : cách xử lý ổ cứng bị lỗi firmware.

Rồi nhé, chúng ta đã xác định được chính xác ổ đĩa cứng của chúng ta lỗi firmware, vậy bây giờ fix lỗi này như thế nào đây. Nghe thì lỗi này tưởng nhẹ, nhiều bạn cứ nghĩ "bị gõ cọc cọc cạch cạch thì mới sợ chứ cài này quay im ru hà, chác nhẹ, fix tí xíu là xong". Có bạn còn điện thoại nói như thật: " Anh cho mình hỏi bên anh có bán tool fix firmware không mình mua về fix cái ổ cứng?" " Anh có bao nhiêu cái bị lỗi mà anh định mua về làm?"," Một cái thôi, mình đang xài xong nó hết nhận mình nghĩ nó chỉ bị firmware thôi..." Thấy chưa các bạn, ai cũng tưởng là sửa ổ cứng lỗi firmware dễ lắm, còn nghĩ tool fix lỗi cũng rẻ??? Ở đây mình không bàn đến giá cả nhé, vì thật ra giá thiệt rẻ cũng có mà thiệt cao cũng có. Tiền nào thì của nấy thôi. Điều chắc chắn là để fix lỗi firmware bạn phải có tool chuyên dụng để có thể can thiệp sâu vào vùng SA là vùng chứa firmware. Với bất kỳ dòng sản phẩm nào khi sản xuất ra bị lỗi thì nhà sản xuất luôn luôn có cách fix lỗi, họ có công bồ trên trang web của hãng, cho nên nếu bạn biết kỹ thuật và tiếng anh thì các bạn có thể nghiên cứu và tự fix bằng phần mềm mà nhà sản xuất làm ra. Tuy nhiên đa số phần mềm fix lỗi ổ cứng hư firmware chỉ làm việc được khi ổ cứng còn detect, nghĩa là còn nhận, nó có thể sẽ bị lỗi firmware nhưng hiện tại thì chưa, việc fix chỉ giúp nó không bị lỗi firmware ở tương lai thôi, vậy nếu giờ nó đang bị hư firmware không nhận thì...cũng như không. Hoặc vì lý do gì đó vùng SA bị Bad thì các soft fix lỗi của hãng hoàn toàn không tác dụng. Khi đó chúng ta cần một tool chuyên dụng hơn, và lẽ dĩ nhiên là...phải trả phí từ vài triệu đến hàng trăm triệu. Các bạn có thể tham khảo thêm nhiều bài viết của mình, trong đó mình có giới thiệu về các tool. Các bạn tham khảo bài viết về sửa chữa, cứu dữ liệu ổ cứng lỗi firmwarre trên 2 dòng sản phẩm chủ ye61y trên thị trường nhé:

Link về trường hợp sửa chữa ổ đĩa cứng bị lỗi firmware trên dòng ổ cứng WD

Link về trường hợp sửa chữa ổ đĩa cứng bị lỗi firmware trên dòng ổ cứng Seagate

Bài này khá dài, nên phần  HƯỚNG DẪN SỬA CHỮA Ổ ĐĨA CỨNG NÂNG CAO : cách xử lý ổ cứng bị lỗi bad mặt đĩa  mình xin tách ra thành một bài viết khác nhé! Trong khi đợi mình viết các bạn có thể tham khảo những bài mà mình đã viết nhé! và yên tâm bài viết mới mình sẽ nói về một phần mềm tự động hoàn toàn khi sửa chữa ổ đĩa cứng, nhớ theo dõi nhé các bạn!

Bài viết về việc cứu dữ liệu trên ổ cứng bị bad sector.

Hướng dẫn sửa chữa ổ đĩa cứng WD bị bad sector

 Cách sửa chữa ổ đĩa cứng bị bad sector nặng

Các bạn ơi, mỗi sáng mình thức dậy lúc 5g và tranh thủ viết một tí, giờ mình phải đi làm, hẹn sáng mai mình viết tiếp nhé các bạn. 

Nếu có Anh Chị hay Bác nào lớn tuổi đọc bài viết này xin thứ lỗi cho Lợi vì cách viết xưng là "mình" và gọi là "các bạn". Xin cảm ơn! 

Nếu anh chị em nào đọc thấy hay thì share facebook, google + giúp mình.  

Vậy là mình có động cơ để viết tiếp. Cảm ơn các bạn!

Cảm tạ Chúa !

Bình luận (1)

Gửi bình luận của bạn

Captcha
  • Dương Thanh (20-01-2020) Trả lời
    Cho mình hỏi ổ cứng kêu tạch, tạch, tạch...1 lúc xong im lìm luôn thì bị làm sao vậy admin? (ổ cứng Samsung, dung lượng 250 GB)

.

 

Tin Hot nhất

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,709,293

Đang online4