Ổ đĩa cứng đã bị tháo mở bung cơ có còn cứu dữ liệu được không?

Vì một lý do nào đó ổ đĩa cứng của bạn đã bị mở bung phần cơ bên trong. Câu hỏi đặt ra là còn có thể phục hồi lại dữ liệu không? Bài viết này sẽ phần nào giải đáp cho bạn.

Ngày đăng: 10-06-2016

18,544 lượt xem

Ổ ĐĨA CỨNG BỊ THÁO MỞ BUNG CƠ CÒN CỨU DỮ LIỆU ĐƯỢC KHÔNG?

Trong nhiều ngày gần đây, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi với nội dung tương tự như vậy. Trên thực tế cũng đã có không ít khách hàng mang đến trung tâm cứu dữ liệu Phước Lợi Group những ổ đĩa cứng đã bị tháo ( mở nắp ) bung phần cơ bên trong. Bài viết này mong rằng sẽ giúp được cho các bạn biết rõ tình trạng ổ đĩa cứng của mình và biết được có còn tia hy vọng nào hay không. Lẽ đương nhiên chúng ta luôn hy vọng phục hồi lại được dữ liệu của mình, nhưng biết được còn bao nhiêu phần trăm vẫn là điều mà ai cũng muốn biết. Hơn nữa chúng ta cũng nên biết trước để tránh được những sai lầm do không biết hoặc liều lĩnh gây ra. Và trên hết những điều đó là chúng ta cẩn trọng trước khi tin tưởng giao cho ai bung mở phần cơ của ổ đĩa cứng để cứu lại dữ liệu.

Trước hết câu hỏi đặt ra là :  Làm sao để nhận biết một ổ đĩa cứng đã bị tháo mở phần cơ, hay anh em kỹ thuật thường gọi là "bung cơ"?

Thông thường nếu chúng ta đang sử dụng một ổ đĩa cứng chính hãng thì chắc chắn là ổ đĩa cứng của chúng ta chưa bị "bung cơ". Có rất nhiều yếu tố để chúng ta nhận biết ổ đĩa cứng của chúng ta có còn "nguyên Jin" hay không. Cũng có thể áp dụng trong trường hợp mà các anh chị muốn mua một ổ đĩa cứng đã qua sử dụng, biết được nó còn nguyên hay không cũng là một yếu tố vô cùng cần thiết. Thông thường chúng ta nhận xét được qua việc quan sát , sau dây là một vài điểm điển hình!

Đây là một ổ đĩa cứng còn jin chưa bung cơ. Phần những miếng nhựa tròn màu đen được dán lên trên những con ốc bắt chặt nắp của ổ đĩa cứng với phần cơ bên dưới. Chúng ta nhìn thấy những miếng dán này rất thẳng thớm, không có dấu hiệu bị biến dạng. Khi có tác động bên ngoài nhất là cố tình bóc tách, cạy ra thì những miếng nhựa này sẽ có tì vết. Bên dưới vòng tròn màu đỏ là một con ốc vít được bắt thẳng vào phần cụm đầu đọc bên trong. Muốn tháo rời phần nắp đậy chúng ta bắt buộc phải mở con ốc này. Trước tiên phải mở phần nhãn dán, như vậy khi ổ cứng bị bung cơ thì những chổ này sẽ để lại dấu vết do bị tác động. Trong một vài trường hợp không có các miếng dán bằng nhựa này, nhất là đối với ổ đĩa cứng hiệu Seagate hay Samsung, dường như các miếng dán này chỉ có ở Western mà thôi, vậy thì làm sao? Chỉ còn cách quan sát kỹ phần nhãn dán và ngay chổ con ốc ẩn dấu bên dưới, muốn mở nó bắt buộc phải phá hỏng phần tem dán bên trên. Như vậy nếu bạn chịu xem xét kỹ sẽ phát hiện được. Còn nếu như đây là loại ổ đĩa cứng được một trung tâm sửa chữa chuyên nghiệp thực hiện rồi dán nhãn lên thì . . . đành chịu. Chúng tôi cũng đã gặp nhiều loại này khi khách mang đến cứu dữ liệu. Đây là loại được sửa chữa từ một nhà máy tại Trung Quốc. bên ngoài nhìn cực kỳ mới, nhãn dán thật là đẹp và phải nói là " y như jin" thế nhưng khi dùng tool chuyên dụng đọc các thông số thì mới biết là tem dán tên nọ mà ruột thì tên kia!!! Thậm chí ổ đĩa cứng Western mà nhãn dán là Seagate, mà nhãn dán thật đẹp và như jin mới kinh chứ.Thật khó khăn cho công tác cứu dữ liệu nhất là khi ổ đĩa cứng không còn detect, việc nhận định đúng chủng loại để tìm đầu đọc phù hợp thay vào là một việc vô cùng khó khăn. Cho nên vẫn muốn nhắc lại một câu mà người anh em chúng tôi luôn nhắc đó là :" Đừng ham giá rẻ!" Thật sự mà nói khó có cái gì vừa ngon rẻ mà bổ hay nói gọn lại là không có cái gì " thơm" hết, cái gì rẻ mà có vẻ "thơm" thì hãy coi chừng, nó có lý do của nó, và có hậu quả của nó, nhất là khi chúng ta muốn lưu trữ dữ liệu quan trọng của mình.

Ổ ĐĨA CỨNG BỊ THÁO MỞ BUNG CƠ CÒN CỨU DỮ LIỆU ĐƯỢC KHÔNG?

Có lẽ nhiều đọc giả sẽ cho là ổ cứng mới nên tem còn nguyên chứ ổ cứng cũ thì tem sẽ bong ra mất. Đây là một ổ đĩa cứng đã cũ, thậm chí nó dường như bị vùi dập đày đọa dưới biết bao sóng gió bụi đường, nhìn nó gỉ sét, lem luốc thì cũng đủ biết, thế nhưng phần tem dán những chổ ốc vít vẫn vô cùng thẳng thớm và không hề có một sự biến dạng nào. Cả cái nhãn dán màu xanh vẫn còn nguyên vẹn dù có nhạt màu theo thời gian. Tuy rằng bên trong ổ đĩa cứng không phải là môi trường chân không nhưng là một môi trường sạch, rất sạch. Chỉ một hạt bụi thật là nhỏ, nhỏ đến độ mắt nhìn phớt qua không thấy thì nó cũng sẽ làm hỏng ổ cứng ngay, cụ thể là nếu nó bám vào phần cảm của đầu đọc thì đầu đọc của ổ đĩa cứng không còn đọc được dữ liệu nữa, còn nếu bụi bám trên bề mặt đĩa thì xem như dữ liệu nơi đó sẽ bị lỗi khi đọc gây ra bad sector. Lưu ý là không thể dùng bất cứ loại vải nào có thể lau được trên bề mặt đĩa. Dù là loại vải rất mịn, ngay cả vải chuyên dụng dùng trong phòng lab của y tế cũng không đp ứng được vì sẽ làm trầy xước bề mặt đĩa ngay. Chính vì vậy không thể cho một hạt bụi nào lọt vào bên trong phần cơ của ổ đĩa cứng. Việc các mãnh dán còn nguyên jin ít nhiều cho chúng ta yên tâm là bên trong vẫn còn sạch. Tuy nhiên trong quá trình vận hành của ổ đĩa cứng vần có những trường hợp có bụi bên trong??? Thật sự là như vậy vì bản thân chúng tôi đã thấy rất nhiều khi tháo mở phần cơ của các ổ đĩa cứng vốn còn nguyên jin. Chỉ có một cách giải thích là có sự ma sát giữa các chi tiết cơ khí bên trong và dù được làm từ vật liệu siêu bền thì nó vẫn có sự bào mòn kim loại do ma sát và bụi sinh ra từ đó. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho ổ cứng bị bad sector sau một thời gian dài sử dụng.

Vậy thì ổ đĩa đã bị bung cơ sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu qua một vài hình ảnh thực tế.

Ở đây chúng ta có 2 ổ đĩa cứng đã bị tháo mở phần cơ, hay gọi là bung cơ. Ổ cứng bên phải nhìn thấy vết mổ một cách rõ ràng. Có thể nói vị "bác sĩ " này không phải là bác sĩ của khoa thẩm mỹ. Khi mổ đã để lại vết mỗ khá to và quá rõ ràng. Ngược lại với ổ đĩa cứng nằm bên trái thì quả thật đây là một ca phẩu thuật thẩm mỹ vô cùng xuất sắc. Dường như không một tì vết. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ sẽ thấy có một miếng băng keo dán giữ phần nhãn dính vào phần nắp kim loại. Điều chúng tôi muốn nói là dù khéo léo đến đâu đi nữa thì khi tháo mở bung phần cơ cũng sẽ để lại nhiều dấu vết. Chúng ta chỉ cần quan sát kỹ càng một chút là sẽ phát hiện ra. Lúc nãy chúng tôi có nói đến việc sau khi bung cơ sửa chữa một số trung tâm có dán nhãn mới nên khó phát hiện. Kỳ thực cũng có thể phân biệt được. Thứ nhất vì không phải trung tâm sửa chữa nào cũng to để có thể chi ra một khoản tiền lớn cho việc in nhãn dán một cách chuyên nghiệp được. Chính vì vậy mà đa phần nhãn dán giả được in bằng máy in thông thường cho nên độ nét, độ sắc sảo của hình ảnh không được tinh tế cho lắm, thí dụ chữ thì nhòe, không nét, màu thì nhạt và tái, nhất là phần mã vạch không được nét như nhãn thật. Thứ hai đôi khi nhãn dán lại có kích thước quá to vượt ra cả ngoài phạm vi mà nhà sản xuất quy định cho phần dán nhãn ( có những đường kẻ nhỏ quy định ranh giới ), có khi nó lại nhỏ hơn nhãn dán của chính hãng, có khi thì dán không chính xác, phần viền không song song với phần cơ. Thứ 3 là nhãn jin được ép một lớp nilon bên trên ( gọi là cán màng ) chính vì lớp màng bảo vệ đó mà khi chúng ta dùng bông gòn tẩm cồn (alcol) lau lên bề mặt nhãn sẽ không làm phai màu các chữ in, với loại nhãn dán giả không tốt thì khi lau qua như vậy chữ in sẽ bị alcol làm bay mất. Tóm lại hàng giả thông thường sẽ không sắc sảo được như hàng thật bởi vì giá thành thấp. Tuy nhiên nếu cơ sở làm giả đó chuyên nghiệp như một nhà máy lớn thì chúng ta đành chịu thua thôi ( pó tay )!!!

Đối với ổ đĩa cứng Seagate thì ngay chổ vòng tròn đỏ này cũng chính là nơi mà có ốc được bắt chặc với cụm đầu từ bên trong. Chúng ta nên đặc biệt chú ý ngay chổ này để thấy được dấu hiệu của việc tháo bung cơ. Ngay ổ đĩa cứng trong hình cũng đã bị bung cơ. Hay ở một điểm là nếu bạn thấy có tem bảo hành dán lên chổ này thì... đáng để suy nghĩ đấy nhé!

Vậy thì tại sao phải bung cơ, sự lợi ích hay tác hại của việc bung cơ là sao? Phải làm điều đó như thế nào?

Chúng ta chỉ bung phần cơ trong trường hợp cần can thiệp phần cứng để phục vụ cho nhu cầu cứu dữ liệu. Ít có trường hợp tháo bung cơ để sửa chữa. Tại sao? Vì khi chúng ta tháo bung cơ là để thay đầu đọc. Không lẽ bạn hy sinh một ổ cứng tốt để sửa một ổ cứng đang bị hư mà không cần cứu dữ liệu? Chẳng ai làm như vậy mà người ta chỉ hy sinh một ổ cứng tốt để phục hồi lại dữ liệu bị mất trên ổ cứng bị hư hỏng mà thôi. Hơn nữa sau khi thay đầu đọc thì cũng không thể sử dụng lại ổ cứng đó vì mức độ hư hỏng trở lại là vô cùng cao, chưa nói đến việc thay đầu đọc vô là nó bad nhè từ đầu đến cuối!!!

Vậy thì chúng ta đã xác định công việc bung phần cơ chỉ là để cứu dữ liệu. Vậy thì khi bung cơ thay đầu đọc để cứu dữ liệu thì tỉ lệ thành công là bao nhiêu? và tại sao có người làm được và có người làm không được. Đang mùa Euro 2016 nên ta ví dụ thế này nhé! Công việc cứu dữ liệu cũng giống như là phải đưa bóng vào lưới đối phương vậy, Cũng một đường chuyền, cũng một vị trí mà cầu thủ xuất sắc sẽ có tỉ lệ sút bóng vào lưới rất cao còn một cầu thủ hạng tầm thường thì dường như là không thể đưa bóng vào lưới. Các bạn có hình dung ra được không? Nếu bạn có một ổ đĩa cứng cần bung cơ thay đầu đọc để phục hồi dữ liệu. Bạn chuyền cho một kỹ thuật và anh ta tiến hành việc sút bóng vào lưới. Tỉ lệ thành công hay không tùy thuộc phần lớn vào đẳng cấp của anh kỹ thuật đó. Lẽ đương nhiên công cụ hổ trợ cũng là yếu tố cần thiết. Thế nhưng văn ôn võ luyện, trăm hay không bằng tay quen. Và như vậy kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn chuyền bóng cho kỹ thuật nào sút mà thôi. Và đã không ít trường hợp phải bật khóc vì đã lỡ " giao trứng cho ác". Và đây là một trường hợp điển hình đau lòng. Vừa qua chúng tôi có nhận được một ca cứu dữ liệu ổ cứng. Khi nhận chúng tôi quan sát và thấy có dấu hiệu bị bung cơ như đã trình bày ở trên. Ban đầu anh khách hàng nói là do cách đây 4 tháng có đem ổ cứng đi sửa họ bung cơ làm rồi về sử dụng bình thường cho đến nay??? Cũng có thể giống như trường hợp bài viết :" cứu dữ liệu ổ đĩa cứng bị kẹt đầu đọc"

thế nhưng khi hỏi kỹ lại thì anh nói là trước khi mang qua cuudulieuocung.vn thì anh đã mang đến một trung tâm cứu dữ liệu khác. Như vậy nghĩa là ổ đĩa cứng này đã bị tháo bung phần cơ bên trong. chúng tôi tiến hành kiểm tra và quả thật kinh hoàng khi " trứng đã giao cho ác" :


Ổ ĐĨA CỨNG BỊ THÁO MỞ BUNG CƠ CÒN CỨU DỮ LIỆU ĐƯỢC KHÔNG?

Không biết vô tình hay cố ý mà mặt đĩa giờ đã tan nát thế này. Không bao giờ tự nhiên nó lại bị như vậy. chúng tôi cố gắng chụp hình nhưng trên hình hiển thị không bằng 50% của thực tế. Đây quả là một trường hợp mà có thể nói là : "miễn bình luận". Chẳng những sút bóng hỏng mà còn làm nổ tung quả bóng luôn rồi!!! Mong rằng qua bài viết này mỗi bên đều có những bài học cho riêng mình, chuyền bóng thì tìm hiểu kỹ để chuyền đúng đối tượng, còn sút bóng thì liệu trước lỡ như mình sút không vào thì thôi đừng có sút làm hỏng luôn cả quả bóng như thế này! Vậy thì chúng ta phải làm sao khi phải bung cơ thay đầu đọc cứu dữ liệu?

Giống như một ca mổ vậy, chúng ta cần phòng mổ, bàn mổ và dao kéo kìm... Bạn không thể thực hiện công việc mổ ngay trong phòng đầy bụi, đừng có xem phim " Thiên tài lang băm" rồi "tay không bắt cướp" đấy nhé! Về thiết bị dụng cụ bạn xem bài viết : " những thứ cần thiết cho việc cứu dữ liệu nhé" Bây giờ chúng ta xem trường hợp nào và phải làm sao?

Có rất nhiều loại ổ cứng từ máy vi tính để bàn cho đến dòng laptop, Seagate, Western, Toshiba, Samsung, Hitachi, IBM, Maxtor, Quantum... đủ loại đủ kiểu. Như theo chúng tôi thì có 2 trường hợp mà thôi. Một là đầu đọc khi ngừng quay sẽ nằm trên mặt đĩa và trường hợp khi ngừng quay đầu đọc được trả ra ngoài và nằm gọn trong bộ đỡ đầu đọc.


Nếu quan sát các bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng, chính vì thế công việc tháo lắp đầu đọc cũng như tool hổ trợ cũng khác nhau. Lưu ý! Như đã nói, công việc tháo mở ổ đĩa cứng là một công việc vô cùng nguy hiểm cho "tính mạng" của ổ đĩa cứng và dữ liệu mà nó đang chứa. Chính vì vậy khi bạn đọc bài viết này đừng bao giờ tò mò và tháo bung cơ một ổ đĩa cứng có chứa dữ liệu quan trọng. Nếu bạn muốn làm điều này, chúng tôi khuyên bạn nên mua một ổ đĩa cứng mới về rồi thực hiện, sau khi làm nó chết bạn sẽ cảm nhận được nỗi đau, khi đó bạn mới biết hậu quả của việc làm mà mình gây ra. Vì thế bạn đừng bao giờ gây ra nỗi đau đó cho người khác. Khi chúng tôi viết bài viết này vô cùng đắn đo, bỡi lẽ đã có nhiều bạn kỹ thuật khi đọc đến đây đã dùng vít, kìm và bung ngay bộ cơ của ổ đĩa cứng ra xem, thậm chí có bạn còn khoe là "em thấy đầu đọc nó quơ qua quơ lại, em nghĩ đầu đọc hư chứ chưa trầy đĩa, anh thay đầu đọc đi là oke", chúng tôi lắc đầu... pó tay luôn!

Để có thể can thiệp vào bên trong phần cơ của ổ đĩa cứng chúng ta cần có một phòng sạch. Tại sao phải sạch? Có cần phải là chân không hay không? Thật ra nếu là chân không thì quá tốt tuy nhiên bên trong ổ đĩa cứng hoàn toàn không phải là môi trường chân không nhưng nó là môi môi trường cực sạch. Không thể có bụi bên trong phần cơ vì chỉ cần một hạt bụi nhỏ xíu cũng sẽ làm hư bề mặt đĩa thậm chí làm hư cả đầu đọc.

ĐÂY LÀ MỘT PHÒNG SẠCH TIÊU CHUẨN. NƠI LÝ TƯỞNG ĐỂ BUNG CƠ THAY ĐẦU ĐỌC.

Tuy nhiên trên thực tế không phải dễ dàng để có thể trang bị một phòng sạch tiêu chuẩn như thế này. Nếu bạn có một phòng làm việc được vệ sinh sạch sẽ, không có bụi, có máy hút, máy lọc không khí thì bạn vẫn có thể tận dụng để làm một phòng sạch được. Trên thực tế chúng ta thường sử dụng một phòng sạch nhỏ hơn rất nhiều, chúng tôi thường nói vui là "tủ sạch" hay "lồng sạch " chứ không dám gọi là phòng sạch. Điều cần thiết là sạch bụi, phòng sạch của các cơ sở y tế là không vi khuẩn còn phòng sạch để thao tác việc tháo mở bung phần cơ của ổ đĩa cứng là sạch bụi, tuyệt đối không dùng bất cứ thứ gì để lau lên bề mặt đĩa. mình từng nhìn thấy một bạn kỹ thuật dùng bông gòn lau bề mặt đĩa??? Trong phòng sạch ( hay lồng sạch, tủ sạch ) thì phải luôn có hệ thống hút lọc bụi, luồng khí phải di chuyển thật mạnh từ dưới lên trên vì như vậy chỉ cần có một hạt bụi nhỏ rơi vào lập tức nó được đưa lên trên và không thể nào rơi xuống bề mặt đĩa được. không được có hơi ẩm, chính vì vậy mình phải mang bao tay tránh trường hợp hơi ẩm của do mồ hôi tiết ra. Chúng tôi thấy một vài đoạn video clip quay đưa lên youtube anh em kỹ thuật thao tác việc thay đầu đọc vô cùng thoải mái và chả cần mang bao tay, thiệt là đại tài??? Chả hiểu họ làm điều đó như thế nào, chỉ có một lời giải thích là làm chỉ để...quay phim mà thôi.

Đây là một phòng mini, thật ra nó là một phòng nhỏ với những tấm vách bằng kính và tương đối là kín để hạn chế vấn đề bụi bẩn, Lúc nào phòng cũng đóng kín cửa, được hút bụi thường xuyên. Khi ra vào phòng phải thay đồ để tránh bụi bám trên áo bay vào phòng. Phòng này chỉ có nhân viên kỹ thuật bung cơ, thay đầu đọc mới được phép ra vào. Có một anh em kỹ thuật còn chia sẻ với chúng tôi là : " mình chả cần phòng kính phòng sạch gì hết, cứ cái bàn là thay đầu đọc ào ào". Có lẽ cũng đúng vì anh may mắn, chứ thật sự khi chúng tôi thực hiện trong phòng sạch, thao tác thật khéo léo, cẩn trọng vô cùng, mang cả khẩu trang để tránh việc thở vào trong đó, vậy mà tỉ lệ thành công còn có 90% thậm chí thành công mà vẫn gây ra bad nữa. Chỉ một sơ xuất nhỏ thiệt nhỏ cũng đã làm ra bad rồi, thậm chí có nhiều ổ đĩa cứng phải thay đến 2 hay 3 đầu đọc mới cứu ra được hết dữ liệu.

Nếu bạn thật sự không có đủ điều kiện để trang bị cho mình một phòng sạch bạn vẫn có thể làm một bàn kính, 3 mặt được làm bằng kính hoặc mica. Trên trần là khung lưới lọc không khí. Bên dưới là mặt bàn inox hoặc mặt gỗ, đá... Phía bạn ngồi thì có thể làm cửa rèm che, hoặc mica rồi làm 2 lỗ tròn để bạn cho tay vào thao tác. Phần quan trọng là hệ thống lọc không khí, phải có một máy hút bụi đặt trên trần, lúc nào không khí cũng được hút theo chiều từ dưới lên trên ( để chỉ cần có một hạt bụi nhỏ lọt vào nó cũng không thể rơi xuống mà phải được hút lên trên. Bạn có thể dùng hệ thống lọc không khí của xe ôtô. Nói tóm lại là làm sao càng sạch càng tốt. Chỉ cần một hạt bụi rất nhỏ rơi vào mặt đĩa từ cũng có thể làm trầy hoặc hư hỏng phần từ tính trên bề mặt đĩa cứng.

Những thứ cần thiết trong phòng sạch là một bộ đồ sạch, găng tay, khẩu trang, bộ tool tháo mở mâm đĩa, bộ tool tháo mở đầu đọc. Bộ vít chuyên dụng ( loại không từ tính ).

Đối với loại ổ đĩa cứng khi không hoạt động đầu đọc được cố định trên một giá đở ( phần này chúng tôi đã có trình bày ở trên ) Chúng ta sử dụng tool bằng nhựa là được.

Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những đoạn video clip trên youtube hướng dẫn cách thay đầu đọc. Tuy nhiên phải lưu ý và nói thật với các bạn là gần như 98% là không đúng sự thật, chúng ta có thể tháo mở bung cơ một ổ đĩa cứng, cũng có thể dễ dàng thay thế đầu đọc nhưng hầu như chỉ làm cho vui vì thực chất công việc này vô cùng khó khăn. Chúng tôi thật lòng khuyên các bạn đừng bao giờ xem nhẹ công việc này để rồi làm thử mà gây thêm nhiều rắc rối. Có nhiều anh em kỹ thuật bung cơ ra rồi mang đến cho chúng tôi phục hồi dữ liệu và nói : " tôi chỉ mới mở ra xem nó có bị trầy đĩa hay không rồi đóng nắp lại chứ chưa làm gì cả" ???. Thật lòng bấy nhiêu đó là đủ chết rồi. Không thể nào cứu dữ liệu cho một ổ cứng bị tháo bung một cách vô tội vạ. Nếu muốn tháo mở phần cơ bạn phải có phòng sạch, bộ dụng cụ chuyên dụng và quan trọng nhất vẫn là sự khéo léo quen tay của kỹ thuật. Một người muốn thay đầu đọc thành công phải luyện công việc này vài trăm lần và giết chết hàng trăm ổ đĩa cứng. Nếu bạn chưa luyện đủ như vậy thì xin bạn đừng bao giờ tháo mở phần cơ của ổ đĩa cứng để cứu dữ liệu. Khi một kỹ thuật chuyên nghiệp quen việc thay đầu đọc thì thậm chí không có tool trong tay anh ta vẫn có thể tự chế biến cho mình một phương pháp thay đầu đọc. Đó là lý do tại sao mỗi người có một cách làm riêng, tuy nhiên vẫn phải theo nguyên tắc là sạch và độ chính xác tính bằng nano.

Đối với loại ổ đĩa cứng mà khi không hoạt động đầu đọc nằm trên mặt đĩa ( ở trên có trình bày ) thì chúng ta cần một tool chuyên dụng có độ chính xác vô cùng cao. Các bạn xem trong " Phục hồi dữ liệu ổ cứng bằng cách thay đầu đọc". Nếu có tool này trong tay thì gần như công việc trở nên dễ dàng và tỉ lệ thành công đạt 90%. tuy nhiên giá tool còn khá cao. Nhưng đầu tư quả thật là vô cùng xứng đáng.

Đến đây gần như là sắp kết thúc bài viết. Chúng tôi trở lại với câu hỏi :" Ổ đĩa cứng bị tháo mở bung cơ còn cứu dữ liệu được không?" Câu trả lời là có thể được, bởi vì muốn cứu dữ liệu ổ cứng bị hư đầu đọc chúng ta cần phải tháo mở phần cơ của ổ đĩa cứng, tuy nhiên công việc này đòi hỏi rất nhiều yếu tố và vô cùng phức tạp. Dữ liệu có phục hồi được hay không tùy thuộc vào việc chúng ta tháo mở bung cơ như thế nào thôi. Và xin nhắc lại lần chót là : nếu bạn chưa phải là một cao thủ được tập luyện thành thạo thì tuyệt đối đừng bao giờ tháo mở bung cơ một ổ đĩa cứng. Nếu bạn muốn luyện hãy mua một ổ cứng dung lượng cao nhất, đắc tiền nhất về tháo mở bung ra, lúc đó bạn sẽ cảm nhận được tác hại của việc bạn làm. Đừng liều lĩnh mà gây hại cho nạn nhân bị mất dữ liệu.

Nếu có Anh Chị hay Bác nào lớn tuổi đọc bài viết này xin thứ lỗi cho Lợi vì cách viết xưng là "mình" và gọi là "các bạn". Xin cảm ơn! 

Nếu anh chị em nào đọc thấy hay thì share facebook, google + giúp mình.  

Vậy là mình có động cơ để viết tiếp. Cảm ơn các bạn!

Cảm tạ Chúa !

Tin liên quan

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

.

 

Tin Hot nhất

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,709,118

Đang online5